Mùa săn - Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macombe

June 11, 2018 | Author: Hương Trương | Category: Documents


Comments



Description

MỞ ĐẦU


Văn học so sánh là một bộ môn văn học rất quan trọng trong việc
nghiên cứu các mối quan hệ trực tiếp, những tương đồng và dị biệt giữa
các nền văn học, các tác giả cũng như các tác phẩm văn học. Đây là một bộ
môn với một phương pháp so sánh, đối chiếu các đối tượng trong những tiêu
chuẩn cụ thể nhằm có cái nhìn toàn diện nhất về đối tượng nghiên cứu.
Mùa săn của Hồ Thị Huệ Hài và Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của
Francis Macomber của Ernest Hemingway là hai truyện có cùng chung đề tài
đi săn, gần nhau về cốt truyện xoay quanh ba nhân vật: ông chủ - vợ ông
chủ - người đi săn và cùng lấy chất liệu là ngôn ngữ, hình ảnh về những
cuộc săn để xây dựng chủ đề riêng cho từng tác phẩm. Nếu chủ đề, tư tưởng
trong Mùa săn là hành trình đi tìm kiếm người thợ săn đích thực trong
những chuyến săn và giá trị của con người thì Cuộc đời hạnh phúc ngắn
ngủi của Francis Macomber lại là hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc của mỗi
con người. Bởi vậy mà mỗi nhân vật hiện diện trong hai tác phẩm này vẫn
có nét giống nhau về địa vị nhưng tính cách thì lại hoàn toàn khác nhau.
Qua đó ta thấy được sự gặp gỡ, ảnh hưởng ít nhiều của các tác phẩm văn
học nhưng mỗi tác phẩm là một giá trị nghệ thuật rất riêng, rất độc đáo.


























1. Cơ sở lí thuyết
1. Định nghĩa văn học so sánh
Thuật ngữ văn học so sánh đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII trong các tác
phẩm của các nhà nghiên cứu người Pháp Murald và người Anh Andreew. Sau
đó nó được sử dụng nhiều hơn vào nửa đầu thế kỷ XIX trong các công trình
của Noel và Laplace và phát triển cho đến ngày nay. Khi nói đến văn học
so sánh chúng ta không nên hiểu đó là một nền văn học được so sánh, mà
thực chất nó là một bộ môn khoa học có chức năng so sánh một nền văn học
này với một hay nhiều nền văn học khác, hoặc so sánh các hiện tượng của
nền văn học khác nhau. Trải qua quá trinh hình thành và phát triển, văn
học so sánh dần khẳng định mình qua thời gian và có thể có một định nghĩa
cụ thể như sau: Văn học so sánh là một bộ môn khoa học nghiên cứu các mối
quan hệ giữa các nền văn học dân tộc (Nguyễn Văn Dân).
Ngoài ra ta còn có định nghĩa của Daniel – Henri Peagux : Văn học so
sánh là chuyên ngành nghiên cứu những mối quan hệ tương đồng, quan hệ họ
hàng hay ảnh hướng giữa văn học với các lĩnh vực nghệ thuật hay các linh
vực tư duy khác, giữa các sự kiện hay văn bản văn học, những mối quan hệ
này có thể gần hay xa, trong không gian hay trong thời gian, miến là
chúng thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, hoặc nhiều văn hóa khác nhau cho dù
có chung một truyền thống.
2. Mục đích của văn học so sánh
Văn học so sánh có nhiều mục tiêu nhưng tựu trung lại nó có hai múc
đích cơ bản:
- Xác định tính khái quát của văn học nhân loại
- Chứng minh tính đặc thù của các nền văn học dân tộc
Như vậy văn học so sánh đã đề cập trọn vẹn đến cả một cặp phạm trù:
cái chung- cái riêng, cụ thể hơn là cái quốc tế- cái dân tộc. Tính quốc
tế thống nhất và bền vững sẽ đảm bảo cho tính dân tộc tồn tại lâu bền.
Đây chính là biểu hiện của nguyên lý triết học: giải quyết cái riêng
thông qua cái chung. Nhiệm vụ quan trọng của so sánh luận văn học là phải
phát hiện và khuyến khích cái yếu tố dân tộc tiến bộ, hướng nó đi đến chỗ
tiếp xúc với cái dân tộc tiến bộ khác để tạo thuận lợi cho cái quốc tế
tiến bọ được hình thành và phát triển.




3. Đối tượng của văn học so sánh
Đối tượng cơ bản của văn học so sánh là các hiện tượng văn học thuộc
các nền văn học khác nhau của các dân tộc khác nhau, hoặc sớm hơn và hẹp
hơn là thuộc các sắc tộc, các cộng đồng ngôn ngữ – văn hoá khác nhau. Nói
một cách tổng quát, Văn học so sánh nghiên cứu sự giao lưu, sự tiếp xúc
các mối quan hệ quốc tế, liên dân tộc (international) giữa các nền văn
chương. Cụ thể:
- Các mối quan hệ trực tiếp giữa các nền văn học dân tộc: Khi nghiên
cứu ở mặt này, các nhà nghiên cứu xác định các luồng giao lưu, ảnh
hưởng, nhất là nếu có hiện tượng vay mượn thì phài tìm ra nguồn gốc
vay mượn để đánh giá đóng góp của người vay mượn lẫn người cho vay.
Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là tác phẩm Đoạn trường tân thanh
của Nguyễn Du ở Việt Nam và tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm
Tài Nhân ở Trung Quốc. Về mặt cốt truyện, 90% Nguyễn Du vay mượn từ
nguyên tác Kim Vân Kiều truyện, nhưng ở từng tình tiết, tính cách nhân
vật… có sự khác biệt rất lớn. Nhưng so sánh hai tác phẩm này với nhau
không có nghĩa là ta làm cái việc hết lời ca ngợi Nguyễn Du và chê bai
Thanh Tâm Tài Nhân, mà ta chỉ cần tìm ra sự đóng góp của mỗi tác giả và
đặc trưng dân tộc được thể hiện trong mỗi tác phẩm.
Xét đến sự ảnh hưởng trong văn học thì có rất nhiều kiểu. Có thể là
ảnh hưởng do nhân cánh nhà văn, ảnh hưởng về kỹ thuật viết văn, vay mượn
tư liệu và chủ đề, ảnh hưởng bằng cách đưa ra một khung cảnh nghệ thuật
mới…
- Các điểm tương đồng: Nhà so sánh luận Xô Viết Zhirmunsky nhận định:
Các phong trào văn học nói chung và các sự kiện văn học nói riêng –
với tư cách là những hiện tượng quốc tế – một phần được xây dựng
trên cơ sở những sự phát triển lịch sử tương đồng trong cuộc sống xã
hội của các dân tộc và một phần dự trên những sự giao lưu văn hóa và
văn học của các dân tộc đó. (…) Cần phải phân biệt những điểm tương
đồng về loại hình với những sự du nhập văn học hoặc sự ảnh hưởng,
bản thân những cái này cũng lại dự trên những điểm tương đồng trong
quá trình tiến hóa xã hội. Một ví dụ điển hình cho văn học so sánh
nghiên cứu các điểm tương đồng là công trình của Đinh Gia Khánh, Chu
Xuân Diên nghiên cứu về kiểu truyện Tấm Cám.
Có hai loại hiện tượng tương đồng:
+ Tương đồng lịch sử: bao gồm hiện tượng tương đồng cùng thời và
tương đồng kế tiếp. Tương đồng lịch sử là tương đồng của những trào lưu
thuộc các nền văn học kế cận nhau (ví dụ: nền văn học Phục Hưng, cổ điển,
Anh Sáng, lãng mạn, hiện thực… ở Châu Âu)
+ Tương đồng phi lịch sử: là sự giống nhau giữa các nền văn học cách
xa nhau về không gian và thời gian. Nghiên cứu những điểm tương đồng phi
lịch sử sẽ giúp cho các nhà lý luậnvăn học rút ra những kết luận bổ ích
và xác đáng về quy luật phát triển chung của văn học, làm sáng tỏ sự phát
sinh và phát triển của một thể lọai, một loại hình văn học cụ thể.
- Các điểm khác biệt độc lập: Trong thực tiễn, có khi nhà nghiên cứu
phải so sánh hai hiện tượng văn học khác nhau để chứng minh cho mức
độ khác nhau giữa chúng, qua đó khẳng định thêm cho một yêu cầu nào
đó của mình. Việc này không phải để chứng minh đơn thuần cái này
khác cái kia, mà nó nhằm phục vụ những mục tiêu cụ thể của nhà
nghiên cứu.
Ví dụ: so sánh nghệ thuật tả chân giữa Guy de Maupassant và Phạm Duy
Tốn, so sánh tiểu thuyết Robinson Crusoe của Daniel Defoe với Quả dưa đỏ
của Nguyễn Trọng Thuật để thấy Quả dưa đỏ chưa phải là tiểu thuyết phiêu
lưu.
Đối tượng thứ ba này là để bổ sungcho hai đối tượng đầu. Các đối
tượng ấy không hề phủ định lẫn nhau mà bổ sung cho nhau.
2. So sánh Mùa săn của Hồ Thị Huệ Hài và Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi
của Francis Macomber của Ernest Hemingway
1. Tóm tắt
1. Mùa săn
Bàng – một thương gia rất giàu có ở Sài Gòn và có sở thích săn thú
rừng. Để phục vụ cho sở thích của mình, ông bỏ tiền ra trang bị các loại
súng tốt và thuê một người cháu vợ tên Quán là một thợ săn chuyên nghiệp.
Và thường thì những cuộc đi săn là dịp để Quán và bà dì Phượng để thông
dâm với nhau. Phượng là một mụ đàn bà có nhiều ham muốn, cưới ông Bàng vì
tiền và luôn tìm cách làm tình với Quán. Ở cùng với Quán là một lão già
thuộc dân tộc Ê Đê, trước kia là một tay săn tài ba nhưng bây giờ thì bị
bệnh tật. Các bộ phận trên cơ thể lão bị biến dạng một cách kì dị. Già
làng bảo phải chữa bệnh bằng vàng và lão vô tình nhặt được chiếc nhẫn của
Phượng mà ngây ngô nghĩ rằng trời giúp. Phượng vu cho lão ăn cắp và phải
chặt ngón tay để lấy nhẫn. Từ đó, lão không thể đi săn được nữa.
Truyện kể về một lần đi săn của ông Bàng. Đó là âm mưu của Quán muốn
giết dượng để chiếm đoạt dì và gia tài khổng lồ của dượng. Quán lên kế
hoạch về thời gian, địa điểm để ông Bàng tiếp xúc với trâu rừng nhằm mục
đích để con thú giết chết ông. Nhưng trong tình thế quá bất ngờ và nguy
cấp khi cả ba người đều bị trâu trả thù thì ông già I Đi đã xả thân bóp
cò giết được thú dữ, cứu sống họ. Kết thúc câu chuyện là hành động trao
nhẫn của bà Phượng dành cho người hùng I Đi khi chôn cất.
2. Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber
Vợ chồng Macomber rất giàu có nhưng có một cuộc sống hôn nhân không
hạnh phúc bởi lẽ Macomber vốn hèn nhát. Để chứng minh sức mạnh của mình
và cứu vãn cuộc hôn nhân với người vợ đẹp, Macomber đã thực hiện một
chuyến đi săn ở châu Phi cùng với một người thợ săn kinh nghiệm, giỏi
giang là Wilson. Trong cuộc săn Macomber bắn bị thương một con sư tử, con
thú chạy trốn. Wilson cho biết phải tiến vào để hạ thủ con sư tử.
Macomber tỏ vẻ sợ. Wilson khinh bỉ sự khiếp nhược đó. Khi tiến vào nửa
chừng Macomber sợ quá quay đầu bỏ chạy. Wilson tiến vào và hạ được con sư
tử. Hành động bỏ chạy của Macomber diễn ra trước mắt vợ anh là Margaret.
Đêm đó Margaret ngoại tình với Wilson. Macomber rất giận dữ, còn Margaret
tỏ ra bất cần, vì nàng hết sức thất vọng về chồng.
Cuộc đi săn tiếp tục và lần này là săn trâu rừng. Macomber lại bắn bị
thương một con trâu rừng hung dữ. Cả bọn một lần nữa lại chuẩn bị tiến
vào thanh toán con vật. Nhưng lần này Macomber đột nhiên cảm thấy rất tự
tin. Cả Wilson lẫn Margaret cũng nhận ra điều đó. Khi hai người đàn ông
tiến vào bụi rậm tìm giết con trâu bị thương. Margaret ở phía sau với cây
súng của nàng trong một diễn biến bất ngờ, con trâu bị thương lao vào
Macomber. Margaret nổ súng và viên đạn đã trúng vào đầu chồng nàng,
Macomber chết. Kết thúc truyện là cuộc đối thoại giữa Wilson và Margaret
để lại nhiều nghi vấn cho người đọc.
2. Những tương đồng về đề tài, cốt truyện, chất liệu trong Mùa săn của
Hồ Thị Huệ Hài và Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber
của Ernest Heminway
1. Đề tài
Cả hai truyện đều khai thác đề tài đi săn. Nó được xuất phát từ ý
muốn của nhân vật ông chủ.
2. Cốt truyện
Hai truyện đều tập trung xây dựng một cốt truyện xoay quanh cuộc sống
vợ chồng bị rạn nức, người vợ ngoại tình và lấy cuộc đi săn để giải quyết
mâu thuẫn. Ở đó, họ cùng với một người thợ săn nữa đồng hành và từ cuộc
đi săn đó, chủ đề chính của mỗi truyện được hình thành và triển khai. Có
thể vẽ chung một sơ đồ cốt truyện cho hai truyện này như sau:


Hôn nhân không hạnh phúc
Luôn đi săn cùng nhau














3. Chất liệu
Cả hai truyện đều xây dựng câu chuyện về những cuộc săn thú nên ngôn
ngữ và hình ảnh được sử dụng hầu như nhằm phục vụ cho mục đích này. Hàng
loạt những thuật ngữ và hình ảnh dành cho giới đi săn như súng, tay thợ
săn, con mồi,…và không gian miêu tả đều rợn ngợp hình ảnh rừng núi hoang
vu, gắn với những con thú hung dữ. Tác giả phải có thời gian gắn bó với
công việc ấy và không gian ấy thì mới có thể xây dựng một cách chi tiết,
thuyết phục như vậy. Bên cạnh việc xây dựng ngôn ngữ trần thuật đầy lôi
cuốn thì tác giả còn sử dụng ngôn ngữ đối thoại nhằm xây dựng tính cách
nhân vật rất rõ nét. Trong truyện Mùa săn, tác giả đã sử dụng những đối
thoại nhằm thể hiện tính cách nhân vật. Chẳng hạn cuộc đối thoại giữa hai
nhân vật Phượng (bà chủ) và I Đi (người hầu):
- Vàng ở đâu mà lão có?
- Của Giàng cho.
- Nói láo! Đồ ăn trộm!
- Không, của Giàng cho thực mà, ở trong ống nước.
- Giàng cho lão vàng để làm gì?
- Mài ra cho còn ma rừng nó uống, nó tha không ăn thịt người
Có thể thấy một bên là bà chủ thét ra lửa và một bên là con người mộc
mạc, ngây ngô. Hay những lời cợt nhả của Quán dành cho Phượng cũng giúp
ta hình dung tính cách của nhân vật:
- Trông dì cháu có xứng đôi không?
- Cho thơm một cái rồi chuồn ngay.
Xen giữa những cuộc đối thoại là những đoạn văn dài mà ở đó ta rõ hơn
về con người: Lần này cho lão ta cơ hội thử khẩu súng săn mới mua với
hung thần của rừng già (…) kể như lão ta nộp mạng cho nó. Mấy tháng nay
con trâu rừng là nỗi kinh hoàng của dân thợ săn. Không những thế ở đây ta
thấy nhân vật người dẫn chuyện (tác giả) xuất hiện khá rõ với những lời
bình. Ta nghe như có nỗi xót xa khi đọc từ đó ngón tay bóp cò của lão
không còn nữa. Con hổ bị chặt móng vuốt rồi, lão trở thành con chó già
bệnh hoạn tàn phế, sống luẩn quẩn trong nhà nhờ cơm thừa canh cặn. Câu
chuyện của Hồ Thị Huệ Hài kết thúc bằng sự im lặng, không có một cuộc đối
thoại nào diễn ra chỉ có những nắm đất ném xuống huyệt và sự run rẩy tiếc
thương của Phượng. Sự ra đi của I Đi như là một biểu tượng cho sự hi sinh
thầm lặng, một tượng đài đàn ông đúng nghĩa. Tác giả không để nhân vật
nói nhiều nhưng chỉ bằng hành động ta cũng đủ thấy sự dũng cảm, đối lập
hoàn toàn với hành động hèn nhát của hai người đàn ông kia. Những câu văn
dài miêu tả, nhận xét và rồi kết lại như một tiếng thở dài thương tiếc.
Hình ảnh ngón tay bóp cò lặp đi lặp lại như nỗi ám ảnh, khắc khoải về giá
trị thật sự của một con người.
Trong Cuộc đời hạnh phúc của Francis Macombe, Hemingway đã sử dụng
ngôn ngữ chắt lọc và vô cùng ngắn gọn. Ở đây, ta bắt gặp một vốn kiến
thức uyên thâm về săn bắn. Từ những nguyên tắc đi săn (như không được bắn
khi đang ở trên ô tô) đến những loại súng và cách tiêu diệt thú dữ. Ông
mô tả rất chi tiết từng cuộc đi săn với hàng loạt những động từ, lôi cuốn
người đọc nhập cuộc Wilson nhảy ra phía bên này, hắn lao xuống phía bên
kia, trượt chân theo trớn khi chạm phải mặt đất đang chạy lùi lại rồi bắn
vào con trâu đang phóng chạy, nghe những viên đạn cắm phập vào mình con
vật, nã hết đạn vào con trâu đang phi đều đặn, cuối cùng sực nhớ phải bắn
vào tai và lúc long ngóng lắp đạn, hắn thấy con vật quỵ xuống. Khi miêu
tả nhân vật, điểm khác biệt của ông so với nhà văn truyền thống là để
nhân vật tự bộc lộ qua ngôn ngữ: độc thoại và đối thoại. Và ở truyện ngắn
này, ta thấy ba nhân vật xuất hiện dày đặc với những đối thoại (trên 500
lượt). Chỉ thông qua đối thoại mà người đọc hình dung diễn biến, ý nghĩa
câu chuyện, tâm lí nhân vật…Nếu như đối thoại ở các nhà văn khác mang
tính chất trích dẫn, chọn lọc, tiêu biểu, xâu chuỗi các đối thoại ta sẽ
thấy tính cách nhân vật thì đối thoại trong truyện Hemingway có vẻ lan
man nhà văn như mở băng ghi âm trước nhân vật, nhân vật nói bao nhiêu thì
thu vào máy bấy nhiêu. Nhưng đa phần là những đối thoại ngắn, không chú
thích, hàm ẩn, cô đọng nên dù nói nhiều bao nhiêu thì nhân vật của ông
vẫn được coi là ít nói. Nên muốn hiểu hết đối thoại của Hemingway nhiều
khi phải đọc cả sự im lặng trong văn bản. Trở lại với câu chuyện của ba
người: Macomber- Margaret- Wilson, qua những cuộc đối thoại của các nhân
vật ta dần hình dung tình trạng quan hệ của ba người thời điểm hiện tại:
Vợ chồng Macomber với mối quan hệ căng thẳng luôn ngự trị, đỉnh điểm
trong chuyến đi là sự ngoại tình của người phụ nữ Mĩ với Wilson- tay thợ
săn cừ khôi vì thất vọng trước hành động bỏ chạy trước sư tử của chồng.
Nhưng ta thấy rằng Hemingway không hề nhắc đến chuyện ngoại tình, chúng
ta chỉ biết qua những cuộc đối thoại lấp lửng, ỡm ờ.
- Chúng (chỉ con nai) không nguy hiểm phải không?
- Chỉ khi nào chúng ngã vào bà- Wilson bảo nàng.
- Tôi rất thích.
Hay đoạn đối thoại giữa Macomber và Margaret khi ông tỉnh dậy không
thấy vợ và chờ suốt hai tiếng đồng hồ và thấy vợ về trong cảm giác khoan
khoái.
- Cô ở đâu về đấy?
- Ra ngoài thở một tí.
- Đấy là cách gọi mới cho nó hả? Đồ con đĩ.
- Phải đấy, đồ hèn.
Những câu ngắn, cách quãng tạo khoảng trống, không có lời dẫn của
người kể chuyện. Người vợ đi ra ngoài ngoại tình với ai tác giả không nói
nhưng cái cách nói chuyện đong đưa giữa Wilson và Margot cùng chi tiết
người thợ săn luôn mang theo chiếc giường đôi trong mỗi chuyến đi để tận
hưởng niềm may mắn từ những người phụ nữ của ông chủ thuê họ đã giúp ta
nhận ra được phần nào lí do ra ngoài trong đêm của Margaret. Chính việc
ngoại tình của nàng với Wilson đã cho thấy sự chán ghét cực độ của cô đối
với chồng, từng lời nói của nàng dành cho chống đều là sự mỉa mai, ngọt
ngào nhưng đầy lấn lướt và phải chăng chính điều này dẫn đến phát súng
quyết định giết chồng của nàng? Cái kết của truyện vẫn tiếp tục là những
đoạn đối thoại cực ngắn. Bên cạnh xác chồng, Margot khóc vật vã và cuộc
nói chuyện diễn ra giữa hai con người đang sống.
- Làm thế được đấy- ông lạnh lung nói- ông ta chắc cũng sẽ bỏ bà.
- Đừng nói- nàng nói.
- Dĩ nhiên đó là tai nạn rủi do - ông nói - Tôi biết thế.
- Đừng nói- nàng nói…
- Tại sao bà không đầu độc ông ấy? Đấy là cách người ta làm ở Anh…
- Ôi, xin đừng nói nữa. Làm ơn đừng nói nữa…
Margaret chỉ lặp đi lặp lại cụm từ: đừng nói, trong cụm từ ấy, theo
Ths. Nguyễn Thị Thanh Hiếu trong Nghệ thuật đối thoại trong truyện ngắn
Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber có thể là sự ân hận của
người vợ giết chồng? Một sự chấp nhận hậu quả? Một sự tính toán mới trước
cơ quan điều tra? Hay chỉ đơn giản là không muốn chịu sự giễu nhại của
người tình nữa? Ở đây tác giả áp dụng nguyên tắc đối thoại bỏ sót và
người đọc dùng sự hiểu biết của mình để cảm nhận. Đoạn kết tạo độ mở cho
tác phẩm. Ở đây có thể có hai trường hợp xảy ra:
Một là trường hợp Margaret vô tình giết chồng. Tuy nàng không còn yêu
chồng, hai người chỉ sống với nhau bằng giao kèo nhưng nàng vẫn được sống
thoải mái như mình muốn: tiền bạc, trai gái…cho nên không đến nỗi giết
chồng. Chuyến đi sang Châu Phi là cơ hội cứu vãn mối quan hệ của hai
người và khi Macomber trở nên mạnh mẽ trong cuộc đi săn trâu rừng mặt
nàng tái đi không phải lo sợ mà là xúc động. Vì đây là điều bà đã chờ đợi
bao lâu nay. Và khi chồng chết vì phát súng của mình, cuộc đối thoại giữa
Margaret và Wilson chứng tỏ hai người không hiểu nhau. Những câu hỏi của
Wilson chỉ là suy đoán chủ quan bời hai người chỉ mới gặp nhau trong thời
gian ngắn
Hai là trường hợp Margaret cố ý giết chồng. Nàng đã không còn yêu
chồng vì ông ta hèn nhát. Nàng đã nhiều lần cắm sừng Macomber trước khi
gặp Wilson. Và anh chàng thợ săn là người có đủ phẩm chất mà chồng nàng
không có. Đó chính là động lực cho việc giết chồng. Không những thế cái
chết của chồng sẽ giúp nàng thừa hưởng khói tài sản khổng lồ. Khi thấy
chồng hạ trâu rừng, mặt nàng tái đi vì sợ hãi bởi ông đã khác trước. Nếu
vậy thì nàng không thế trở về với lối sống phóng khoáng của mình được
nữa. Nàng khóc vì sợ hãi, sợ bị người ta điều tra được thì Margaret sẽ
không còn thời gian sống với Wilson
Đây là hai trường hợp đều có khả năng xảy ra khi ta chứng kiến cuộc
đối thoại giữa hai nhân vật. Không một lời bình của tác giả, Hemingway
trao quyền suy nghĩ cho đọc giả để người đọc đồng sang tạo. Đó chính là
nguyên lý tảng băng trôi. Tấn thảm kịch không diễn ra bên ngoài mà bề sâu
bên trong lời đối thoại.
3. Những dị biệt về thể loại, chủ đề, tư tưởng, nhân vật trong Mùa săn
của Hồ Thị Huệ Hài và Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis
Macomber của Ernest Hemingway
1. Thể loại
Cùng lấy truyện ngắn đề làm thể loại cho truyện nhưng trong khi
truyện Mùa săn có dung lượng truyện bình thường, không quá ngắn hay quá
dài, đủ để xây dựng một lát cắt cuộc đời nhân vật chính mà ở đó làm nổi
rõ tư tưởng của tác giả. Còn Cuộc đời hạnh phúc của Francis Macomber lại
có kích thước rất lớn (12,,000 chữ), vượt quá với dung lượng một truyện
ngắn bình thường. Tuy nhiên, tác giả lại xây dựng bằng những đối thoại
tạo nên những xung đột lời nói và hành động khiến cho truyện mang tính
gần với kịch. Đó là một nét tạo nên nét độc đáo cho tác phẩm.
2. Chủ đề
Mặc dù xuyên suốt cả hai truyện cùng đi tìm giá trị của con người
nhưng mỗi truyện lại có cách định danh khác nhau. Nếu cái giá trị con
người trong Mùa săn gắn liền với mục đích đi tìm người thợ săn đích thực
của cuộc đi săn cũng như của cuộc đời thì cái giá trị con người trong
Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber lại gắn với hành trình
đi tìm kiếm hạnh phúc của con người.
Xuyên suốt trong Mùa săn là bi kịch con người không nhận thức được
giá trị cuộc sống và giá trị của con người. Người anh hùng, người thợ săn
đích thực là ai? Họ không tự nhận thức được. Ở đây có một sự gặp gỡ với
quan niệm người anh hùng của Hemingway đó là: Người thợ săn phải săn được
thú, người đi câu phải câu được cá, người quân nhân phải giết được kẻ
thù. Ai đạt được mục đích đã đặt ra thì đó mới là người anh hùng. Nhân
vật Bàng là một người đàn ông giàu có, có địa vị, có vợ đẹp, tưởng chừng
đó là một người đàn ông thành đạt nhưng không, ông ta bị vợ cắm sừng mà
không hề hay biết. Trong cuộc đi săn, lúc đầu ông là người làm chủ, những
tưởng đó chính là người đi săn đích thực, song ông không phải là người
chinh phục được con mồi. Còn với Quán, thông tin ban đầu cho rằng anh ta
là một thợ săn chuyên nghiệp. Trong cuộc sống, dù cho anh ta có được
tình yêu của Phượng và sự ưu ái của Bàng thì vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn.
Quán toan tính, âm mưu về sự chiếm đoạt toàn bộ bằng việc lên kế hoạch
mượn thú để giết ông Bàng. Nhưng sự việc không như Quán mong đợi, thậm
chí hắn còn để mất lòng tin nơi Phượng khi bỏ Phượng mà thoát thân. Quán
đã thất bại hoàn toàn vì hắn không phải là người thợ săn đích thực mà
người ta tìm kiếm như cái danh hão vốn có mà bấy lâu hắn dùng để trang
trí bản thân. Nhưng Lão I Đi thì lại khác. Mở đầu truyện, lão là một con
người bế tắc, không nhận thức được hạnh phúc. Bằng chứng là khi lão bị
người ta lợi dụng, lão cũng không oán giận, không than thở mà chỉ âm
thầm, lặng lẽ, trung thành. Và khi lão xả thân cứu chủ thì bản thân cũng
hành động theo bản năng vốn có. Dù rằng đó là một hành động yêu thương
nhưng người hành động không ý thức được giá trị đó của mình. Và khi lão
được tôn vinh thì cũng là khi lão đã chết. Cho đến chết, lão vẫn không
nhận thức được giá trị cuộc sống của đời mình. Chính lão cũng nhầm tưởng
về người thợ săn đích thực. Thế ai là người thợ săn đích thực? Tác giả
trao sự nhận thức ấy cho Phượng. Phượng sở hữu một vẻ đẹp trời phú, có
một cuộc sống giàu sang với người chồng và những cuộc thăng hoa lén lút
với người tình một cách trót lọt là một niềm hạnh phúc nhưng không, đến
cuối truyện ta mới thấy sự đổ vỡ trong lòng nàng. Hóa ra những hạnh phúc
bấy lâu mà nàng có chỉ là phù phiếm, xa hoa. Người thợ săn đích thực
trong lòng nàng không phải là người chồng giàu có, ham săn thú kia hay
chàng người yêu lâu nay vẫn gắn với cái mác thợ săn chuyên nghiệp mà
chính là một ông lão tật nguyền, già yếu và ngu ngơ. Nàng đổ vỡ, nàng
thất vọng trong hành trình đi tìm giá trị con người.
Còn trong truyện Cuộc đời hạnh phúc của Francis Macomber, ta thấy bi
kịch về sự bất lực, cô đơn của con người trong hành trình đi kiếm tìm
hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Có phải chăng hạnh phúc là đạt được những
điều mình mong muốn? Tất cả các nhân vật của Hemingway đều trở trăn đi
tìm hạnh phúc mà đều bất lực. Macomber bao lần thất bại trước những cơ
hội chứng tỏ bản lĩnh đàn ông nhưng vẫn không bỏ cuộc. Một khi, ông lấy
lại được phong độ thì cũng là lúc ông phải từ giã nó. Còn Margarget, bao
lần hy vọng nơi chồng là bao lần thất vọng. Sự thất vọng càng ngày càng
đẩy cô vào đỉnh điểm của bế tắc và vùng vẫy muốn thoát ra. Cô lao mình
vào những cuộc tình lén lút như một sự thách thức. Nhưng khi chồng cô làm
được điều mà cô ao ước, những tưởng hạnh phúc đã chạm đến tay nhưng đó
cũng là khi cô giật mình nhận ra hạnh phúc không hề tồn tại, thâm chí nó
thật khủng khiếp. Cô bất giác lấy đi mạng sống của chồng khiến người đọc
ngơ ngẩn không biết đâu là hạnh phúc của con người? Bế tắc lại rơi vào bế
tắc. Wilson cũng vậy, anh ta rong đuổi cuộc sống với những chuyến săn,
không có mục đích cụ thể. Anh ta ngủ với rất nhiều phụ nữ nhưng có ai
dừng lại xây đắp hạnh phúc với anh đâu. Wilson vẫn mãi mê kiếm tìm. Và
đến cuối truyện, chàng đành im lặng bế tắc.
3. Tư tưởng
Trong Mùa săn, tác giả đưa ra một cách nhìn đời, nhìn người toàn
diện, phủ nhận cách đánh giá con người chỉ thông qua ngoại hình, địa vị,
chủng tộc. Việc xác định giá trị của một con người là cả một quá trình.
Với cái chết của nhân vật I Đi thì các nhân vật còn lại đều nhận ra giá
trị thực của mình và người. Hẳn ông Bàng nhận ra rằng mình có niềm đam mê
chứ không hề có năng lực thực sự, Quán phải nhận ra rằng mình đáng hổ
thẹn biết bao nhiêu khi cho rằng lão già kia chỉ là một người Thượng mộc
mạc lắm. Còn Phượng thì đổ vỡ biết bao nhiêu là thứ, đổ vỡ về hai người
đàn ông đã từng mang đến cho cô ta tất cả tình yêu, địa vị và tiền bạc
nhưng lấy đi của cô niềm tin. Khi ranh giới giữa sự sống và cái chết thật
mong manh thì những giá trị con người hiện lên chân thật nhất. Và ngay
chính nhân vật I Đi cũng là một bi kịch mà mãi lão cũng không nhận ra. Có
sự bất hạnh nào hơn khi con người ta khổ mà không biết mình khổ. Nhưng
đáng quý biết bao một mầm nhân tính cao cả đã đánh gục tất cả những thứ
như tiền bạc, tình yêu, địa vị, tướng mạo. Tất cả chỉ là phù phiếm, chỉ
có tình người là mãi mãi thăng hoa.
Còn trong Cuộc đời hạnh phúc của Francis Macomber, tư tưởng xuyên
suốt tác phẩm là nêu ra một chân lí cuộc sống: hạnh phúc không có sẵn mà
phải do con người ta luôn luôn đấu tranh, tìm kiếm và nắm giữ. Và xuyên
suốt truyện là hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc của con người. Biết rõ
tình trạng hôn nhân đang trong chiều rạn nứt, Macomber mang tư thế của
một người đàn ông vốn dĩ thống trị nên kiêu dũng chiến đấu để giữ lấy
người đàn bà của mình. Đó không chỉ là tình yêu mà còn là danh dự. Vì thế
mà ông ta tìm cơ hội và quyết chiến trong những cuộc đi săn. Đó cũng
chính là nơi khiến tình trạng càng tồi tệ hơn nhưng ông ta quyết không bỏ
cuộc. Margaret cũng vậy, nàng bắt đầu thấy chán ngán cuộc sống không thỏa
mãn ái ân trong mối quan hệ vợ chồng. Dù rằng ở đó, nàng có được tình
yêu, tiền bạc, địa vị,… những thứ mà nàng đã từng cảm thấy hạnh phúc.
Nàng chủ động đi tìm kiếm những người bạn tình nhưng đồng thời luôn kích
động để chồng mình chứng tỏ bản lĩnh. Nàng không ngừng thất vọng và ngày
càng đi tìm những bạn tình mới. Cho đến khi Macomber khiến cho nàng tưởng
chừng hài lòng cũng là khi nàng chối từ hạnh phúc đó. Những câu đối thoại
Đừng mà… thể hiện rõ sự bất ngờ cũng như bế tắc của nàng. Chính nàng cũng
không biết được đâu là hạnh phúc. Wilson cũng vậy, chàng là một chàng
trai hào hoa, mạnh mẽ nhưng không có một gia đình, một niềm hạnh phúc
trọn vẹn. Chàng chuẩn bị cho mình những chiếc giường đôi để sẵn sàng làm
tình với bất kì cô gái nào khi cần đến. Đó có phải là niềm hạnh phúc
không? Thế thì chẳng có cái sự khinh bỉ đối với Margaret sau khi lên
giường với nàng. Wilson cũng đang đi kiếm tìm hạnh phúc nhưng tìm mãi
cũng không tìm thấy.
4. Nhân vật
Thoạt nhìn, những tưởng hai truyện này cùng có những tuýp nhân vật
giống nhau: người chủ muốn đi săn, cô vợ và chàng thợ săn. Tuy nhiên vì
chủ đề hai truyện hoàn toàn khác nhau nên quy định tính cách của những
tuýp nhân vật trong hai truyện là không giống nhau.
Cùng một kiểu nhân vật ông chủ thích đi săn, giàu có, bị vợ cắm sừng
nhưng ông Bàng trong Mùa săn lại hoàn toàn khác với Francis Macomber
trong Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber.
Nhân vật ông chủ Bàng trong Mùa săn là một hình tượng khá nhạt nhòa.
Ông ta xuất hiện xuyên suốt nhưng không thể hiện được cá tính nổi bật.
Ông Bàng được biết đến là một thương gia giàu có, ham thú đi săn. Ông
thường sưu tập đủ các loại súng săn nổi tiếng và trước mỗi cuộc săn luôn
trang bị cho mình đầy đủ từ đầu đến chân từ bộ ka ki vàng, ủng da, thắt
lưng da, bao da dắt con dao găm… Cả người ông toát lên mùi da thuộc.
Dường như thú vui săn bắn chỉ là cách để ông thể hiện phong thái quý tộc,
ngạo nghễ của mình? Đối với ông, săn bắn là nơi thế hiện nam tính mạnh mẽ
nhất, săn thú được thì chuyện săn đàn bà đẹp dễ dàng. Nhưng ông không đủ
khôn ngoan để nhận ra mình bị cắm sừng và bị rắp tâm giết hại bởi người
thân cận nhất. Với ông Bàng, săn bắn chỉ là một niềm đam mê, nơi thế hiện
sự mạnh mẽ, cuộc đi săn lần này chỉ nằm trong vô số những cuộc săn ông đã
từng thực hiện.
Nhưng Macomber trong Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis
Macomber là một nhân vật rất nổi bật. Đó là một người chồng bất lực, một
thợ săn hèn nhát dù rất giàu có bởi trong cái nhìn của vợ ông thì giàu
tiền không phải là giàu sức mạnh và sự can đảm. Đó là nguyên nhân cho sự
ngoại tình của nàng. Bởi vậy mà ông tìm cách thay đổi mình và chứng minh
cho vợ thấy bản lĩnh người đàn ông của mình, đồng thời níu kéo cuộc hôn
nhân vốn đã rạn nứt. Thế nhưng càng muốn chứng tỏ thì Macomber càng để lộ
bản chất hèn nhát của mình, để lại sự khinh bỉ cho vợ. Mối quan hệ ngày
càng đi đến bế tắc. Cuộc đi săn trong rừng lần này là cơ hội cuối cùng
cho ông cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, cả ông và Margaret đều ý thức
được điều đó. Điều đáng nể phục ở Macomber chính là sự nỗ lực không
ngừng, ông đã cố gắng chiến thắng sợ hãi khi cầm súng bắn sư tử dù phút
cuối ông đã bỏ chạy nhưng đó là sự nỗ lực đáng ghi nhận của người chồng
khi ông biết phía sau mình là ánh mắt đánh giá của vợ. Và khi biết rằng
vợ ngoại tình với anh chàng thợ săn Wilson, ông cảm thấy nhục nhã đã ở
mức đỉnh điểm thì lại càng quyết tâm chứng tỏ mình với vợ, muốn phủ nhận
cách nhìn của vợ. Và ông đã làm được điều đó. Cả Margaret và Wilson đều
nhận ra và vô cùng ngạc nhiên. Macomber đã không hề rung sợ khi đối diện
với trâu rừng. Nhưng tiếc thay khi giây phút ấy chỉ diễn ra trong một
thời gian hết sức ngắn ngủi, lúc tưởng chừng tìm thấy hạnh phúc thì cũng
là lúc nó vỡ tan theo tiếng súng oan nghiệt của vợ.
Cùng là tuýp người phụ nữ ngoại tình, không có hạnh phúc trong hôn
nhân nhưng Phượng rất khác so với Margaret.
Bà Phượng hiện lên nổi bật với tư cách là một người phụ nữ hám tiền
và hám dục. Bà vốn dĩ là một phụ nữ có nhan sắc và dường như bà kết hôn
với ông Bàng không phải dựa trên tình yêu mà vì tiền. Đó là một mụ đàn bà
thích hưởng thụ hơn là lao động. Vì tiền, Phượng đã chọn ông Bàng, nhưng
mặt khác vẫn lén lút quan hệ với người tình loạn luân – đứa cháu gọi bằng
dì, yêu nhau từ thuở bé. Thậm chí, bà còn tìm cách để sống chung giữa hai
người đàn ông. Một người cho bà tiền bạc, một người cho bà tình yêu và
tình dục. Trong cuộc đi săn này, ba con người đều có những toan tính của
riêng mình. Chỉ có I Đi là đứng bên lề, nhưng chính sự xuất hiện đúng lúc
của lão trong giây phút cận kề với cái chết có lẽ đã giúp Phượng nhận ra
bản chất của hai người đàn ông kia. Và giọt nước mắt cùng chiếc nhẫn vàng
ném xuống huyệt phải chăng là sự ân hận muộn màng của Phượng dành cho
người hầu tận tụy, trung thành, quả cảm, đúng chất đàn ông ấy?
Còn Margaret, cũng như Phượng, nàng cưới chồng vì tiền nhưng tiền
không khiến nàng thỏa mãn về người chồng mình đang có. Cả 2 nàng đều
ngoại tình nhưng nếu Phượng ngoại tình vì không có tình yêu với chồng thì
Margaret ngoại tình vì thất vọng về chồng, vì tình yêu nàng dành cho
chồng đã thay đổi, nàng vẫn hy vọng sự thay đổi ở chồng để cứu vãn tình
yêu đó. Chứng minh cho điều này chính là nàng vẫn kiên nhẫn theo dõi và
chờ đợi giây phút Macomber không hề hèn nhát. Nếu Phượng dan díu với Quán
trong sự sợ hãi bị phát hiện thì Margaret công khai chuyện mình đi với
người khác để đánh vào nỗi hèn nhát của Macomber. Phượng ngoại tình phần
nhiều là do thói quen gần gũi với Quán và có thế do cả nhu cầu xác thịt
và sự chứng tỏ hơi nặng nề nhưng còn đẹp chán còn Margaret ngoại tình như
là một lối thoát cho cuộc hôn nhân bế tắc của mình. Có lẽ sự khác nhau
trong quan niệm về người phụ nữ phương Đông, phương Tây cũng chi phối
tính cách hai nhân vật. Phượng dường như luôn ở thế bị động cả với Quán
(người gắn bó lâu năm) và ông Bàng. Phượng chung tình với người yêu từ
thuở ấu thơ, chỉ biết sợ hãi, núp sau bóng đàn ông khi nguy hiểm cận kề
còn Margaret luôn chủ động trong chuyện đi tìm người tình và cả việc chủ
động cầm súng bắn trong lúc nguy khốn. Điều quan tâm của Phượng là nhan
sắc, sự giàu sang còn Margaret là ý vị cuộc sống. Nếu Phượng luôn giữ mãi
cuộc sống viên mãn với người tình và chồng thì Margaret luôn tìm cách
thoát khỏi cuộc sống bế tắc và việc nổ súng có thế là cách giải thoát của
người phụ nữ ấy?
Cùng xây dựng hình tượng về người thợ săn chuyên nghiệp và là tình
nhân của các cô vợ nhưng Quán không có nét tính cách gì giống với Wilson.
Trong truyện Mùa săn, có hai nhân vật được tác giả chú ý miêu tả đến
tính cách, thái độ nhất đó là Quán và Phượng. Phượng là mụ đàn bà bắt cá
hai tay nên hẳn nhiên luôn mang trong mình những toan tính và lo sợ. Nó
thể hiện trong ánh mắt thăm dò, trong cử chỉ và lời nói.
- Lão ta đâu?
- Lão I Đi làm gì? Sau lần chặt tay đó, hắn có thù mình không?
- Đừng làm ẩu, vào trong rừng hãy hay, ra mau!
Đó cũng là tâm lí của Quán. Hắn luôn đa nghi, dò xét và âm mưu. Tác
giả miêu tả rất cụ thể về sự ghen tuông của hắn thông qua từng lời nói,
cử chỉ và cả trong suy nghĩ:
- Quán lên nhà trên, cười thầm, một ý nghĩ nham hiểm chợt bùng lên:
Lần này cho lão ta cơ hội thử khẩu súng săn mới mua với hung thần
của rừng già.
- Hắn chợt nghĩ mọi thằng đàn ông, lão Bàng hay bất cứ thằng nào,
hễ rơi vào khung cảnh lạ, nhất là những đêm trong rừng như thế này thế
nào cũng nổi cơn thèm đàn bà. Sẵn có vợ lão đó thì giờ này thế nào cũng
xảy ra chuyện ái ân. Thế nào lão Bàng cũng tống I Đi ra rừng ngủ. Tưởng
tượng tới cảnh đó Quán phát điên…
- Hắn rít: "Đồ chó cái, bao nhiêu cũng không đủ, chiều nay no rồi
tưởng thôi, tại sao lại còn chịu cho lão?"
Hắn là một tay thợ săn chuyên nghiệp và cũng là một tình nhân chuyên
nghiệp. Ở hắn hiện diện một lòng tham và một âm mưu vô cùng nham hiểm đó
là giết Bàng, chiếm đoạt Phượng và tài sản. Hắn là người thứ ba trong
cuộc hôn nhân kia nhưng kẻ địch không hề biết. Điều đó chứng tỏ sức mạnh
của hắn bị chôn giấu. Hắn không chấp nhận điều đó và luôn muốn chứng tỏ
bản thân mình. Nhưng cái bản lĩnh mà hắn muốn chứng tỏ đã giết chết vị
trí của hắn trong lòng bạn tình và hắn mất tất cả.
Nhưng Wilson thì lại khác. Nếu Quán trong Mùa săn được cho rằng là
thợ săn chuyên nghiệp thì Wilson mới thực sự là chàng thợ săn bản lĩnh,
đích. Anh ta có nét gần gũi với nhân vật Quán với vai trò là một thợ săn
được ông chủ thuê để hướng dẫn nhưng lại có mối quan hệ xác thịt lén lút
với vợ chủ. Nhưng Wilson được xây dựng lên là một hình tượng rất thẳng
thắn và tinh tế. Anh ta làm đúng phận sự và còn nhiệt tình giúp ông chủ
của mình thay đổi thái độ sống. Tác giả miêu tả về nhân vật này rất thú
vị, anh ta thông minh, nhạy cảm, bất cần và tràn trề sinh lực. Điều đó
khiến anh ta rất hấp dẫn với phụ nữ. Đây là nhân vật xuất hiện nhằm làm
đẩy mâu thuẫn tâm lí của vợ chồng Fransic lên đỉnh điểm, buộc họ phải có
những lựa chọn rõ ràng.
Và trong Mùa săn, có một nhân vật nữa không nằm trong tuýp nhân vật
nào trong mô hình nhân vật như trên. Đó là lão già I Đi. Tuy nhiên, ngẫm
kĩ thì thấy bóng dáng I Đi có nét gì đó có trong Macomber và Wison trong
Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber. Đó là ý thực về sự
thừa của bản thân, sự bất lực của bản thân trong quan hệ giữa người và
người. Đó là hình ảnh về một người thợ săn đích thực, khỏe khoắn và kiên
cường. Những tưởng cuộc chiến với trâu rừng là sự tranh tài ngầm giữa ông
Bàng và Quán (ông Bàng không ý thức được điều đó) nhưng người chiến thắng
lại chính là lão già I Đi – một thợ săn bị dị tật và dường như mất khả
năng săn bắn, một nhân vật nằm ngoài mối quan hệ tay ba kia. Trước đó,
lão I Đi được miêu tả khá chi tiết về cuộc đời cũng như căn bệnh hủi quái
ác đã cướp đi sức lực cũng như niềm đam mê săn thú của lão. Lão là một
người dân tộc Ê-đê, mang sức vóc của núi rừng Tây Nguyên. Lão chân chất,
thật thà, được ông Bàng thuê về trông nhà, bị tên Quán sai vặt, bị vu
khống lấy cắp chiếc nhẫn vàng của Phượng cũng không một lời kêu ca, oán
trách. Ba người chủ đã xem lão là đầy tớ đúng nghĩa. Giữa lão và những
người còn lại luôn có khoảng cách: người miền xuôi - người miền ngược,
chủ - tớ. Bản thân lão cũng có sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa
một thợ săn chuyên nghiệp và một con chó già bệnh hoạn, tàn phế. Lão cứ
lầm lũi sống, cứ tận tụy phục vụ chủ, không oán giận, trách than trong
khi chủ của I Đi (Quán) lại lợi dụng sự ngây thơ không biết gì ấy để mị
lão: Người Thượng mộc mạc lắm, họ không biết oán hận dai đâu, với lại tôi
đã nói tội trộm đưa vào tù người ta chặt cả bàn tay chứ không phải chỉ
chặt một ngón, lão tin.. Sự đau đớn của I Đi chỉ đổi được một tiếng chép
miệng: Tội nghiệp, nhưng thoi đã lỡ rồi… của Phượng. Thật quá đỗi đắng
cay. Tác giả không mô tả chi tiết tâm trạng, cảm xúc của I Đi nhưng chỉ
qua những chi tiết trung thực ấy, người đọc có thể hình dung được nỗi đau
câm lặng của lão. Với một cuộc sống nhạt nhẽo như thế, hẳn lão sẽ rất đau
khổ nhưng mà người đọc chỉ có thể đặt mình vào nhân vật mà cảm nhận thôi!
Chỉ đến kết thúc truyện, lão hiện diện thật nổi bật với hành động ngoài
sức tưởng tượng khi chính tay bắn chết con trâu rừng hung hãng và cũng
chết một cách oanh liệt như thế! Như ta đã biết, Phượng là nguyên nhân
khiến I Đi rơi vào tình trạng bi đát: tật nguyền và phải từ giã cuộc đời
săn bắn. Theo lẽ thường, lão phải oán ghét Phượng nhưng không những không
ghét bỏ, trả thù, lão còn hi sinh thân mình để che chắn cho Phượng lúc
hiểm nguy. Trong trường hợp đó lão có thể bỏ chạy như hai người đàn ông
rất mực thân thiết, yêu quý của bà chủ nhưng không, lão đã dũng cảm đương
đầu vơi con trâu dữ. Có lẽ ngay giây phút nguy khốn ấy, ngoài nhiệm vụ
bảo vệ chủ thì dòng máu nhiệt huyết, can đảm và đầy đam mê của một người
đã từng đối đầu với bao thú dữ nay sống dậy. Nó không cho phép lão bỏ
chạy, bất chấp mình tàn phế, lão đã tìm lại được những năm tháng oanh
liệt của cuộc đời mình trong giờ phút sinh tử ấy. Lão hiện lên là một
người hùng vĩ đại, đặt trong thế tương xứng sức mạnh với con trâu của
vùng hoang dã đồng thời là một người có tình người nhất.
Có thể thấy nếu các nhân vật của Hồ Thị Huệ Hài đều bộc lộ bản chất,
tính cách rõ ràng: Bàng thì nhu nhược, Phượng thì hám tiền đến nỗi nhẫn
tâm, Quán thì ác độc, mưu mô, còn lão I Đi thì quá thật thà và trung
thành thì ở các nhân vật của Hemingway, chúng ta không thể gọi tính cách
của họ bằng một cái tên cụ thể. Mới đọc qua, ai cũng có thể liên tưởng
đến sự khá giống nhau về hoàn cảnh, tình tiết của các câu chuyện và hành
động của các nhân vật nhưng ngẫm kĩ thì nhân vật trong Cuộc đời hạnh phúc
ngắn ngủi của Francis Macomber được miêu tả tâm lí trong những dằn xé nội
tâm hơn là thể hiện tích cách.


KẾT LUẬN
Hai truyện ngắn Mùa săn và Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của
Francis Macomber ở hai thế kỉ khác nhau, thuộc hai dân tộc khác nhau
nhưng có sự gặp gõ nhau ở đề tài, cốt truyện. Tuy nhiên, mỗi truyện được
triển khai theo hai hướng khác nhau. Có thể, nhà văn Hồ Thị Huệ Hài đã
chịu ít nhiều ảnh hưởng từ tác phẩm của nhà văn lớn Hemingway nhưng tác
giả vẫn khẳng định được nét riêng cho tác phẩm và dấu ấn của riêng mình.
Hiện thực cuộc sống luôn phong phú và nhiều hướng khai phá. Cùng một phạm
vi đời sống nhưng sẽ có nhiều cách khám phá khác nhau xuất phát từ nhu
cầu nội tại của nhà văn. Mùa săn có thể không được biết đến nhiều như
Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber nhưng nhìn chung truyện
đã tạo được một thanh âm riêng làm phong phú cho nền văn học dân tộc và
thế giới. Bắt đầu từ chuyện đi săn và sự ngoại tình của người phụ nữ, hai
tác giả đã xây dựng nhưng quan niệm riêng của mình về việc đi săn. Nếu
Mùa săn là hành trình đi giá trị con người thì Cuộc đời hạnh phúc ngắn
ngủi của Francis Macomber lại không ngừng đi tìm kiếm đâu là hạnh phúc
trong cuộc đời.
Có thể thấy rằng, nhờ nghiên cứu theo hướng so sánh, đối chiếu dựa
trên các tiêu chí về hình thức nghệ thuật và nội dung nghệ thuật mà mỗi
tác phẩm được nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc hơn.
Không thể phủ nhận rằng sự kế thừa, học hỏi hay gặp gỡ giữa các tác phẩm
ở các thế hệ khác nhau nhưng mục đích của văn học so sánh không phải đơn
thuần chỉ đi tìm những nét tương đồng và dị biệt giữa các đối tượng so
sánh mà là đi tìm những quy luật phát triển chung của văn chương nhân
loại đồng thời tìm ra giá trị riêng của mỗi tác phẩm, tác giả hay những
nền văn học trên thế giới.
-----------------------
Vợ ông chủ (ngoại tình)



Ông chủ (muốn đi săn)



SĂN TRÂU RỪNG



Hướng dẫn



Tình nhân trong cuộc đi săn



Thợ săn
Copyright © 2024 DOKUMEN.SITE Inc.